Dân số vàng và áp lực tài chính trong xã hội già hóa
[ad_1]
Việt Nam đang ở giữa thời kỳ dân số vàng tuy nhiên giai đoạn này chỉ kéo dài hơn 30 năm. Với tỉ lệ 35% người trong độ tuổi lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp, Việt Nam dự báo chịu nhiều áp lực xã hội khi dân cư già hóa.
Ở góc độ cá nhân, áp lực tài chính trở thành vấn đề đáng quan tâm bởi theo kết quả khảo sát của Prudential Việt Nam, chỉ có 4 trên 10 người tự tin khi tuổi già độc lập về tài chính.
Vào một ngày giữa tháng 5, trong cái nắng chói chang, ông Hai Nhựt, tài xế xe ôm công nghệ cẩn thận điều khiển chiếc xe hai bánh chạy vượt qua con đường mấp mô ổ gà vào một khu xóm trọ cho công nhân sâu tít gần khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM). Phía sau lưng, chị Loan, nữ công nhân 28 tuổi, ngửi thấy mùi mồ hôi chua nồng, thoáng nghĩ đến người cha sống cách mình 200 km, nữ công nhân hỏi chuyện:
“Chú bao nhiêu tuổi?”
“Gần 60 rồi đó con! Trên giấy tờ là 55 chứ chú 59 rồi”.
“Ba con ở Đồng Tháp cũng tầm tuổi chú. Ông bịnh nên không chạy xe nữa”.
Về đến cổng nhà trọ, nữ công nhân đưa tờ 50.000 đồng, lí nhí: “Con gửi chú. Tiền thừa chú cầm uống cà phê”.
Khuôn mặt cháy nắng, nhễ nhại mồ hôi, hằn những nếp nhăn khắc khổ của người tài xế già bấy giờ giãn ra sau chiếc khẩu trang vải:
“Cám ơn con, cần đi đâu lại ủng hộ chú nghen”.
Ông Hai Nhựt là một trong số hàng triệu người già Việt Nam vẫn đang vất vả mưu sinh dù ở tuổi lục tuần, còn chị Loan nằm trong nhóm hàng chục triệu lao động trẻ đi làm để gửi tiền về phụ giúp cha mẹ.
Theo số liệu công bố của Tổng Cục Thống kê, năm 2019, Việt Nam có gần 11,5 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 11,8% dân số. Dự báo vào năm 2050, số lượng người già trên 60 tuổi tại Việt Nam gần 30 triệu người, chiếm 27,2% tổng dân số. Nhưng trước đó 10 năm, bắt đầu từ năm 2040, Việt Nam bước vào thời kỳ không mong muốn: giai đoạn dân số già.
Theo các kết quả nghiên cứu xã hội học, thời kỳ dân số vàng của Việt Nam bắt đầu từ năm 2006 và kết thúc vào năm 2039.
Thời kỳ dân số vàng (Golden population structure) được hiểu là giai đoạn phát triển vàng của mỗi quốc gia khi tỉ lệ người lao động gấp đôi số người phụ thuộc. Chính lực lượng lao động sung sức tạo ra của cải vật chất dồi dào, là bệ phóng quan trọng giúp nhiều quốc gia vươn lên thịnh vượng như sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tại Việt Nam, hiện 75% dân số trong độ tuổi lao động góp phần quan trọng đưa GDP Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á nhưng có thể sự lạc quan này sẽ không kéo dài.
Tổ chức phi chính phủ HelpAge International đánh giá Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới với ước tính thời kỳ dân số vàng của Việt Nam kéo dài khoảng 30 năm, ngắn hơn nhiều quốc gia láng giềng như Singapore (40 năm) hay Thái Lan (35 năm).
Điều đáng quan tâm là vào năm 2020, thu nhập GDP đầu người của Việt Nam đạt khoảng 3.500 USD thấp hơn so với Thái Lan (7.200 USD) và tụt hậu rất xa so sánh với Hàn Quốc (31.700 USD), Nhật Bản (40.000 USD) hay Singapore (58.000 USD)….
“Xu hướng già hóa dân số nhanh trong bối cảnh mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp so với các nước cũng già hoá khác, đã và đang tạo ra nguy cơ rơi vào tình trạng chưa giàu đã già”. Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội – Lê Văn Thanh nói trong hội thảo Phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số giữa tháng 4.
Là một công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín và lâu đời trên thị trường, năm 2020, Prudential Việt Nam kết hợp với Kantar Việt Nam thực hiện cuộc khảo sát “Cuộc sống độc lập khi về già” theo hình thức trực tuyến.
Kết quả, 85% trong số 500 người trong độ tuổi 30 – 45 tại TP.HCM và Hà Nội tham gia khảo sát, cho biết mong muốn có cuộc sống độc lập khi về già, 95% người trả lời mối quan tâm nhất khi về già là vấn đề tài chính cá nhân.
“Khảo sát mà Prudential thực hiện phản ánh bức tranh xã hội hiện tại. Kỳ vọng về một tuổi già độc lập là điều ai cũng mong muốn, nhưng để hiện thực hóa điều đó, chúng ta cần có sự chuẩn bị. Mục tiêu của chúng tôi là hướng tới sự thay đổi nhận thức trong cộng đồng để bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu chuẩn bị cho mình một tuổi già độc lập” – Ông Phương Tiến Minh, tổng giám đốc Prudential Việt Nam, chia sẻ.
Chị Loan cho biết, với 5.000 m2 vườn trái cây tại huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), trước đây gia đình chị không quá áp lực với nguồn thu lợi tức hoa màu. Cách đây 3 năm, ở tuổi 60, ba chị bị tai biến, mất sức lao động, kinh doanh nông nghiệp không ổn định và có thời vụ nên chị xin đi làm công nhân đỡ đần gia đình. Hiện nay, mỗi tháng nữ công nhân vẫn trích 1/4 thu nhập, tương đương 2 triệu đồng gửi về phụ giúp cha mẹ.
Hoàn cảnh gia đình ông Hai Nhựt còn khó khăn hơn. Làm công nhân cho một công ty cơ khí, về hưu trước tuổi do mất sức cách đây 10 năm, khoản lương hưu 1,8 triệu đồng mỗi tháng không đủ trang trải các chi tiêu cá nhân chưa nói việc phụng dưỡng thêm người mẹ già 84 tuổi đau yếu.
Những năm qua, ông trải qua nhiều công việc vất vả từ phụ hồ, bảo vệ, giao hàng và cuối cùng là chạy xe ôm công nghệ khi không còn đủ sức làm các công việc nặng nhọc.
“Già rồi cũng muốn nghỉ ngơi nhưng không chạy xe lấy đâu đồng ra đồng vào, thôi thì ráng được ngày nào hay ngày đó” – ông Nhựt nói.
Trong hội thảo “Dân số và phát triển” của Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tổ chức vào cuối năm 2020, ông Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ cơ cấu và Chất lượng dân số (Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình), cho biết 70% người cao tuổi ở Việt Nam phải tự lao động kiếm sống với sự hỗ trợ của con cháu, chỉ 25,5% sống bằng lương hưu và trợ cấp xã hội, dự báo sẽ không thay đổi nhiều trong thời gian tới.
Các ước tính khác cho biết thời điểm năm 2021 chỉ khoảng 45% người lao động Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội. Mặt khác, sự phát triển các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM thu hút làn sóng người nông thôn di cư tìm việc làm, để lại phía sau khu vực nông thôn gần 30% người cao tuổi sống một mình.
PGS. TS Giang Thanh Long, đại học Kinh tế Quốc dân ước tính các chính sách hỗ trợ của chính phủ hiện nay mới chỉ bao phủ được khoảng 8% đối tượng người cao tuổi, rất nhiều người già sẽ phải phụ thuộc vào con cái và những người xung quanh.
“Nếu chúng ta không có tầng lớp dân số già có thu nhập tốt từ hưu trí, bảo hiểm hoặc có sức khỏe tốt cũng như tham gia các hoạt động xã hội một cách năng động thì đó là một gánh nặng cho xã hội” – PGS. TS Giang Thanh Long nói.
Kết quả khảo sát của Prudential cho thấy trong 10 người trả lời khảo sát chỉ có 4 người cho biết đã lên kế hoạch tài chính chuẩn bị cuộc sống về già.
“Tư tưởng truyền thống của người Việt là “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Tuy nhiên, làn sóng đô thị hóa và xu hướng độc lập của giới trẻ khiến tư tưởng “nhờ cậy” này không còn phù hợp nữa. Nếu không có sự chuẩn bị về tinh thần, sức khỏe, tài chính, người già sẽ vấp phải vết nứt chênh lệch lối sống với thế hệ sau.
Bản thân tôi cũng phải chuẩn bị cho mình những kế hoạch để có tuổi già độc lập trên các phương diện” – ông Phương Tiến Minh, CEO Prudential Việt Nam, nói.
Một lát cắt khác về cuộc sống người già nhìn từ góc độ y tế. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển Việt Nam 62,3% người cao tuổi Việt Nam mắc bệnh tăng huyết áp và chỉ 86,3% trong số đó tiếp cận y tế. 67% người già có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu. Trung bình một người già mắc 3 chứng bệnh cần theo dõi, chăm sóc y tế. Dự báo năm 2049 số người cao tuổi có nhu cầu hỗ trợ tăng 2,5 lần so với mức 4 triệu hiện nay.
Như vậy, khi Việt Nam bước sang thời kỳ dân số già, số người già tăng cao cùng với tỉ lệ người già không có lương hưu/trợ cấp cũng tăng theo chắc chắn sẽ trở thành một gánh nặng về an sinh xã hội.
PGS. TS Giang Thanh Long cho biết nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã trải qua quá trình “già hóa thành công” thể hiện ở ba trụ cột: sự chuẩn bị về kinh tế, sức khỏe và xã hội. Trong đó riêng sự chuẩn về kinh tế, theo ông Long người cao tuổi “già hóa thành công” là người chủ động chuẩn bị thu nhập ổn định từ nhiều nguồn: lao động, hưu trí, bảo hiểm…
Ông Nguyễn Quốc Toản, 65 tuổi, cựu cán bộ quản lý của Vietsovpetro là trường hợp như vậy. Năm 2003, từ Vũng Tàu lên TP.HCM tìm nhà trọ cho con học đại học, ông bật ra ý định mua đất xây nhà trọ cho thuê. Dãy nhà trọ 20 phòng tại xã Phước Kiểng, Nhà Bè mang lại nguồn thu đáng kể bên cạnh khoản lương hưu 10 triệu mỗi tháng trong khi giá bất động sản đã tăng lên vài chục lần.
Nhưng anh Nguyễn Quốc Tuấn, 37 tuổi, con trai ông Toản có cách tiếp cận chủ động khác với thế hệ phụ huynh khi nhìn nhận cơ hội “giàu lên từ đất” có thể không còn đúng với thế hệ millennials.
Với quy tắc quản lý tài chính “50:30:20” mỗi tháng anh dành tối đa 50% thu nhập cho các chi phí cố định như tiền sinh hoạt và các hóa đơn tiện ích. 30% thu nhập tiếp theo nên dành cho các nhu cầu chi tiêu cá nhân như giải trí và mua sắm. Cuối cùng anh dành 20% thu nhập còn lại cho mục tiêu tiết kiệm, đầu tư vào chứng chỉ quỹ.
PGS. TS Giang Thanh Long cho rằng nên khuyến khích các tổ chức bảo hiểm, ngân hàng… tham gia tích cực vào việc cung cấp các dịch vụ liên quan tới bảo hiểm nhân thọ. Sự đa dạng đó sẽ tạo những lưới an sinh xã hội cho những người có thu nhập trung bình trở lên, trong khi đó, mạng lưới trợ giúp xã hội mở rộng cũng tạo lưới an sinh thu nhập và bảo vệ sức khỏe cho người có thu nhập thấp.
Ông Phương Tiến Minh nhận định già hóa dân số là một thách thức, nếu các nhà quản lý phải giải quyết cân đối vấn đề vĩ mô về kinh tế và xã hội thì mỗi cá nhân có thể chủ động giải quyết bằng cách sắp xếp kế hoạch tài chính cá nhân.
Theo ông Minh, bên cạnh chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần, mỗi cá nhân có thể chuẩn bị từ sớm để đạt được tự do tài chính, độc lập tuổi về già.
[ad_2]