[ad_1]
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM họp giao ban trực tuyến với các sở ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức – Ảnh: THẢO LÊ
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh – giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết từ ngày 27-4 đến nay TP.HCM ghi nhận 299 ca nhiễm, hiện đứng thứ 4 cả nước về số ca nhiễm cộng đồng trong đợt này. Ổ dịch liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng từ ngày 26-5 đến nay đã có 293 ca.
Giám đốc Sở Y tế cho biết so với trước ngày 1-6, số ca nhiễm phát hiện hằng ngày là trên 50 ca, từ ngày 1-6 đến nay, số ca nhiễm đã có dấu hiệu giảm dần. Cụ thể, ngày 1-6 có 43 ca, ngày 2-6 có 38 ca, ngày 3-6 có 26 ca.
“Dịch bệnh có dấu hiệu chững lại và giảm dần. Đây là tín hiệu mừng, cho thấy TP đã truy vết, khoanh vùng kịp thời. Cần tiếp tục khoanh vùng, truy vết triệt để hơn nữa”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh nói.
Ông Nguyễn Trí Dũng – chủ tịch UBND quận Gò Vấp – cho biết xu hướng phát sinh F0 tại quận Gò Vấp đang giảm và quận này đang kiểm soát F1, F2 chặt chẽ. Theo ông Dũng, khả năng trong 10 ngày tới, nếu không phát hiện F0 và kiểm soát được F1, F2 như hiện nay, công tác phòng, chống dịch sẽ đạt được hiệu quả tốt.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện UBND quận Gò Vấp cho biết quận đã có kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lực lượng tuyến đầu chống dịch của quận.
Tuy nhiên, hiện nay do đang tập trung nguồn lực lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên nhiều phường nên kế hoạch này sẽ thực hiện sau. Vị này cho biết số lượng cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các sở ngành, quận huyện sinh sống trên địa bàn quận Gò Vấp không nhiều.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Trí Dũng – giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) – cho biết hiện nay trung bình mỗi ngày TP phát hiện 31 ca nhiễm mới. Có 66% người có triệu chứng, có những trường hợp 3 ngày đã phát bệnh.
Khi ngành y tế phát hiện các ca nhiễm đầu tiên thì mầm bệnh đã lây lan trước đó, đã hình thành các chùm ca bệnh. Có những chùm ca khi phát hiện thì đã lây đến F3.
Thời gian giãn cách xã hội là điều kiện để TP cố gắng truy vết, tăng tốc nguồn lực để truy vết nhanh nhất, truy vết ngay những F3.
“Chúng ta phát hiện chậm 1 bước thì chúng ta phải chạy nhanh hơn 1 bước. Mặc dù hiện nay chúng ta đang xử lý F2 rất nhiều nhưng phải quan tâm đến những trường hợp F3 tiếp xúc đặc biệt gần với F2 để truy vết”, ông Nguyễn Trí Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh – giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ngành y tế đang tiến hành xét nghiệm rộng, kiểm tra toàn bộ khu phố có ca bệnh.
“Hiện nay, do chùm ca bệnh đã 4-5 chu kỳ, có trường hợp ta truy vết thì phát hiện F3. Chính vì vậy, HCDC đang hướng tới ngoài xét nghiệm F2 thì F3 cũng được xét nghiệm và cách ly tại nhà”, ông Bỉnh nói.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Dương Anh Đức – phó chủ tịch UBND TP.HCM – ủng hộ đề xuất của ngành y tế phải mở rộng, sẵn sàng truy vết đến F3. Chủng virus liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng là chủng Ấn Độ, có chu kỳ lây nhiễm nhanh, “phải đẩy nhanh tốc độ để chặn đứng dịch, chứ không thể cứ đuổi theo mãi”.
Ông Dương Anh Đức đề nghị Sở Y tế phối hợp với Sở Thông tin – truyền thông ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường truy vết và phân tích các tình huống tại các ổ dịch.
Về vấn đề lấy mẫu, ông Đức cho rằng yêu cầu lấy mẫu càng ngày càng cao, cần có biện pháp lấy mẫu hiệu quả hơn. Những địa điểm nguy cơ, ngành y tế sẽ lấy mẫu 100%, những nơi tầm soát thì lấy mẫu ngẫu nhiên nhưng phải chọn lọc, “như một gia đình có thể lấy mẫu đại diện 1 người”.
Một số nhà thuốc liên quan ca mắc COVID-19 không khai báo y tế
TP.HCM đã phát hiện một số nhà thuốc liên quan đến ca mắc COVID-19 – Ảnh: THU HIẾN
Chiều 4-6, Sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn về việc tăng cường sàng lọc và phát hiện sớm người nghi nhiễm COVID-19 tại nhà thuốc. Trong những ngày gần đây, TP.HCM đã phát hiện một số nhà thuốc liên quan đến các ca mắc COVID-19 nhưng không thực hiện khai báo y tế đầy đủ.
Sở Y tế đề nghị các nhà thuốc niêm yết công khai số điện thoại tiếp nhận thông tin về dịch bệnh COVID-19 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, trung tâm y tế và trạm y tế phường/xã/thị trấn tại cơ sở để liên hệ khi cần thiết.
Trang bị nước rửa tay sát khuẩn, thiết bị đo thân nhiệt, đảm bảo thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong quá trình hoạt động như: đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách, hướng dẫn người mua thuốc khai báo y tế.
Bên cạnh đó, các nhà thuốc phải thực hiện các nội dung về rà soát, sàng lọc các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 khai báo y tế, đo thân nhiệt, khai thác thông tin dịch tễ của người đến mua thuốc.
Đồng thời ghi nhận thông tin người đến mua các loại thuốc ho, hạ sốt, cảm cúm và người mua thuốc có triệu chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp, sốt, ho, đau họng, khó thở, tổng hợp thông tin và báo cáo hằng ngày về trạm y tế địa phương.
Nếu phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19, chuyển thông tin ngay cho trạm y tế địa phương để kịp thời theo dõi, giám sát.
Trường hợp nhà thuốc không ghi nhận thông tin người mua thuốc hoặc thực hiện báo cáo không đầy đủ, không trung thực, Sở Y tế, phòng y tế sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định.
Sở Y tế yêu cầu các trạm y tế tiếp nhận thông tin báo cáo của nhà thuốc và kịp thời theo dõi, giám sát các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 đến mua thuốc tại nhà thuốc. Hằng ngày, trạm y tế phải tổng hợp danh sách các nhà thuốc trên địa bàn đã thực hiện báo cáo thông tin người mua thuốc và gửi về phòng y tế để quản lý.
[ad_2]