|
Quá trình nội soi thám sát, ê kíp đã bất ngờ phát hiện dị vật là nửa hạt đậu phộng kích thước 6×12 mm kẹt ở thùy giữa phổi phải, niêm mạc tăng sinh nhiều. Ê kíp nội soi đã dùng thòng lọng lấy thành công dị vật và bơm rửa sạch thùy giữa phổi phải, lấy dịch xét nghiệm trong thời gian khoảng 20 phút.
Sau khi có kết quả nội soi, khai thác lại bệnh sử, bệnh nhân mới nhớ, khoảng 2 tháng trước nhập viện, bệnh nhân có ăn xôi đậu phộng và bị ho, sặc. Sau đó 1 tuần, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho, khó thở, nặng ngực, dù đi chữa trị nhiều nơi vẫn không phát hiện ra nguyên nhân.
Dị vật phế quản có thể gây những biến chứng cấp tính
Theo TS.BS Cao Thị Mỹ Thúy, Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, mắc dị vật phế quản thường xảy ra trong sinh hoạt hằng ngày ở mọi lứa tuổi, đặc biệt trẻ em.
Dị vật phế quản có thể gây những biến chứng cấp tính như ngưng thở hay có thể gây nhiễm trùng phế quản phổi tái đi tái lại đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng bệnh nhân.
Đặc biệt có nhiều trường hợp, bệnh nhân bị mắc dị vật nhưng không để ý, không được chẩn đoán khiến dị vật bị bỏ quên. Cùng với đó, triệu chứng thường giống một số bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, u phổi hay tràn dịch màng phổi nên càng dễ bị nhầm lẫn và bỏ qua.
|
Trong thực tế nhiều bệnh nhân khi bị dị vật bỏ quên trong đường hô hấp được điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh, thuốc kháng lao nhiều tháng nhưng bệnh vẫn không khỏi. Đặc biệt, khi dị vật không phải là các dị vật có cản quang (kim loại, răng, xương…) mà là các hạt trái cây thì khi chụp X-quang càng khó phát hiện trong đường hô hấp. Ở người lớn tuổi, dị vật đường thở còn thường xảy ra trên bệnh nhân bị tai biến mạch não, bệnh nhân có răng giả, ăn uống khó khăn.
Cũng theo các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, hiện tại, nội soi phế quản có thể giúp chẩn đoán xác định vị trí dị vật, bản chất dị vật, tổn thương phối hợp. Đây là phương pháp điều trị tối ưu lấy dị vật ra khỏi đường thở.