Mục lục
Bạn có sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh không?
Một cuộc khảo sát gần đây với 2.114 người, cho thấy cứ 4 người Mỹ thì có 3 người thừa nhận sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh, với 96% thế hệ trẻ thậm chí không thể đi vệ sinh mà thiếu điện thoại, theo The Healthy.
Các nhà nghiên cứu về mầm bệnh nhận thức rõ về thói quen mất vệ sinh này.
Nhà vi sinh vật học Charles Gerba, từ Đại học Arizona (Mỹ), chuyên nghiên cứu sự lây truyền của vi khuẩn qua các vật dụng hằng ngày trong nhà, cho biết ông thấy mọi người luôn mang điện thoại vào phòng tắm và điện thoại chứa rất nhiều vi trùng.
Vì vậy, ông không có ý định thuyết phục mọi người bỏ thói quen mang điện thoại vào nhà vệ sinh, nhưng ông muốn mọi người biết rõ về hậu quả và cách để giữ vệ sinh nhất có thể.
Điện thoại của bạn bẩn hơn 10 lần so với bệ ngồi trong nhà vệ sinh
Emily Martin, phó giáo sư dịch tễ học tại Đại học Michigan (Mỹ), cho biết một trong những nơi tệ hại nhất để sử dụng điện thoại là trong nhà vệ sinh, vì khi xả bồn vệ sinh, vi trùng sẽ phun ra khắp nơi, kể cả trên điện thoại.
Vấn đề là hầu hết mọi người không nghĩ rằng điện thoại bẩn. Bạn có thể rửa tay sạch sẽ sau mỗi lần đi vệ sinh, nhưng có thể bạn không làm sạch điện thoại của mình, phó giáo sư Martin nói.
Tuy nhiên, bất cứ nơi nào mà tay bạn chạm tới rồi đưa lên mắt, mũi, miệng và tai của mình, tất cả những nơi đó đều có thể chứa nhiều vi trùng hơn các vật dụng khác trong nhà vệ sinh, kể cả bệ ngồi bồn vệ sinh.
![]() Bạn nên dành 1 phút mỗi ngày để vệ sinh điện thoại
|
Khoa học nói gì?
Nếu bạn khỏe mạnh, hệ miễn dịch của bạn sẽ làm tốt công việc ngăn chặn vi trùng. Nhưng không có nghĩa là bạn nên dùng một chiếc điện thoại đầy vi khuẩn cả ngày.
Chuyên gia Gerba cho biết mọi người có thể bị bệnh do lây nhiễm mầm bệnh từ các đồ vật thông thường, và điện thoại là một trong những thủ phạm tệ hại nhất, theo The Healthy.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra hơn 300 mẫu điện thoại từ 12 thành phố trên khắp nước Anh và cũng phát hiện ra rằng 16% dương tính với E. coli, một loại vi khuẩn có trong phân. Thậm chí một thành phố có gần một nửa số điện thoại có phân bám vào, theo The Healthy.
Một nghiên cứu năm 2020, được thực hiện tại Mỹ, cho thấy điện thoại bị nhiễm vi khuẩn không chỉ là vấn đề của riêng nước nào.
Cách làm sạch điện thoại
Các chuyên gia khuyên nên làm sạch điện thoại, gồm cả làm sạch bề mặt và khử trùng để diệt vi khuẩn, virus và các mầm bệnh khác.
Cách đơn giản nhất là sử dụng khăn lau màn hình kháng khuẩn. Hoặc cũng có thể xịt chất khử trùng như cồn 70 độ lên một miếng vải mềm – nên nhớ là không bao giờ xịt trực tiếp lên điện thoại – và lau các cạnh bên, các nút và mặt sau. Đảm bảo lau kỹ màn hình, vỏ và mặt ngoài của điện thoại.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí về kiểm soát nhiễm trùng của Mỹ – American Journal of Infection Control, lau các bề mặt bằng nhựa cần phải làm 3 lần mới giảm được 88% số lượng vi khuẩn, còn nếu chỉ lau 1 lần thì vẫn còn hầu hết vi khuẩn.
Vệ sinh điện thoại của bạn mỗi ngày
Phó giáo sư Martin cho biết, bạn nên dành 1 phút mỗi ngày để vệ sinh điện thoại.