Người nhà bệnh nhân cho biết, cách nhập viện 1 giờ, bệnh nhân đột ngột than đau bụng, nôn ói, vã mồ hôi, méo miệng, yếu nửa người. Tiền sử sản phụ có khám thai định kỳ.
Ngay khi tiếp nhận bệnh, các bác sĩ cấp cứu nhanh chóng kiểm soát huyết áp bằng thuốc hạ áp đường tĩnh mạch. Sau đó, kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não ghi nhận bệnh nhân bị xuất huyết não vùng nhân xám trung ương thái dương-trán (T). Chẩn đoán, thai lần 1, 34 tuần chưa chuyển dạ, tiền sản giật nặng biến chứng xuất huyết não.
Nhận thấy tình trạng mẹ và thai nhi rất nguy kịch, diễn tiến nặng bất kỳ lúc nào nên ngay sau hội chẩn, các bác sĩ đã thống nhất phẫu thuật cấp cứu bảo tồn tính mạng mẹ và lấy thai nhi. Ê kíp do BS.CK2 Phong Thị Thanh Xuân, Khoa Phụ sản, BS.CK2 Trần Huỳnh Đào, Trưởng Khoa Phẫu thuật – gây mê hồi sức thực hiện. Sau khoảng 30 phút, ca mổ lấy thai thành công, một bé trai nặng 1.600 gram ra đời an toàn và được đưa ngay đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ chăm sóc. Riêng sản phụ, được chuyển đến khoa hậu phẫu gây mê hồi sức và Khoa Đột quỵ để hồi sức nội khoa tích cực.
|
Chiều cùng ngày, thông tin từ ThS.BS. Ông Huy Thanh, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết em bé con sản phụ V. tự thở tốt, tổng trạng ổn định, các rối loạn ban đầu đã được điều chỉnh. Các bác sĩ Khoa Sơ sinh đang tập cho ăn dần qua ống thông dạ dày. Khi bé bú được tốt và đủ theo nhu cầu sẽ cho gia đình chăm sóc.
|
Biện pháp tốt nhất để ngừa tiền sản giật và biến chứng nặng nề như xuất huyết não là theo dõi thai kỳ chặt chẽ, kết hợp với tìm hiểu tiền căn của người mẹ và điều trị tốt các bệnh lý kèm theo nếu có như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý mạch máu. Cùng với đó là nâng cao chất lượng cuộc sống và dinh dưỡng đầy đủ trong khi mang thai. Đặc biệt, mỗi sản phụ cần có kiến thức để theo dõi, phát hiện sớm dấu hiệu tiền sản giật nặng qua thay đổi huyết áp, bất thường khi có sự xuất hiện đạm trong nước tiểu để có kế hoạch điều trị tốt ngay từ đầu.